Đặc điểm Ngựa Phú Yên

Thể chất

Do có nhiều giống tốt, chạy nhanh và dẻo dai nên ngựa xứ Nẫu hay được chọn dâng cho triều đình, xếp vào hàng "ngựa dụng", được xem là "giống tốt nhất Trung kỳ". Ngựa Phú Yên được người phương Tây mô tả là dai sức và hung dữ, trong văn chương nó được tả là chạy nhanh và dẻo dai. Ngày nay, ngựa Phú Yên không còn thuần giống, hầu hết được mua về từ tỉnh Lâm Đồng (ngựa Đà Lạt) hoặc các tỉnh phía Nam[4] Ngựa Phú Yên rất khỏe, chúng có thể thồ hàng với trọng lượng 100kg và kéo được 800kg (không kể xe ngựa). Ngựa thồ bình thường đều có thể tải 100kg, sung sức thì trên 120kg, chúng đi lại rất khéo trên những con đường gồ ghề, kể cả độ dốc trật ót, qua vùng suối nước hiểm nguy hay trong đêm tối, hàng hóa nhất là trái cây thường không bị dằng xóc, bầm dập[1].

Chúng là động vật thông minh và rất mực trung thành, trí nhớ của chúng khá tốt, có thể nhớ được mặt chủ sau nhiều năm xa cách. Nhờ có sức dẻo dai, một con ngựa có thể lao động cho chủ trong khoảng 20 năm. Một con ngựa tơ được mua về chỉ mất khoảng một tuần huấn luyện là có thể thuần thục kéo xe, thồ hàng. Một con ngựa hay, giống tốt có khi vài chục triệu đồng. Còn ngựa giống cỏ ở tuổi trưởng thành thường có giá 15 triệu đồng[5][6]. Ngựa còn nhỏ thì chưa rụng lông cào.

Ngựa cái thồ hàng thì có thể "đánh đôi đánh đọ", đi thành từng đàn được. Ngựa cái hiền lành, lại tận tụy, nên dù thồ yếu hơn (khoảng 120kg) vẫn được nhiều người chuộng nuôi. Ngựa đực, dù sức thồ mạnh hơn, dẻo dai hơn ngựa cái (khoảng 150kg), nhưng đưa chúng đi thồ hàng là phải đi một mỉnh, bởi nếu ngựa đực mà gặp ngựa cái là theo nái, có những con đực đã hất cả tạ chuối để theo một nái ngựa mà nó phát hiện trên đường từ rẫy về nhà[7] Ngựa cái từ 25-30 tuổi thì khả năng thụ thai rất thấp hoặc con ngựa đực giống chỉ có một "cà" (tinh hoàn) nên khả năng gây thụ thai không cao[7]

Ngựa đua (kỵ mã) trong lễ hội không vạm vỡ, to cao như trong trường đua, mà vốn là ngựa thồ hàng của người dân, những con ngựa quanh năm vốn quen với việc thồ hàng, kéo xe, vì là ngựa thồ chuyên chở hàng nông sản nên tất cả đều nhỏ thó, hầu hết là ngựa cái và không được thắng yên. Giới tính áp đảo trong các hội thi là ngựa cái, thể lệ yêu cầu 100% phải là ngựa cái, nhằm tránh sự lộn xộn, giành gái của mấy con ngựa đực[8] Nhiều con xé toạc cả hàng rào người, bỏ trường đua thoát ra ngoài theo tiếng hí của bạn tình hoặc chỉ lững thững chạy sau để ngắm những con ngựa cái[9] một vài ngựa đực không chịu đua, chỉ chạy sau xem các con nái, các địa phương đều chọn ngựa cái để dự hội. Dù nhiều năm lên trường đua, nhưng một số ngựa cái mỗi khi nghe ngựa bên ngoài hí vang là vượt qua hàng rào người thoát ra ngoài.

Dáng ngựa

Bài chi tiết: Giải phẫu ngựa

Ngựa Phú Yên mặt dài, xương xương, không nhiều thịt là ngựa tốt, nếu mặt đầy thịt, yếm cổ to bự là ngựa không tích cực. Mao quăn là ngựa bền, bụng suôn không bầu thì không bị sa tiền. Ngựa một dái không bền, ngựa có ông chân tròn, thẳng như ống sậy, ốm là ngựa hay. Cổ chày đứng, con đỉa sâu là ngựa hay. Móng đổ, ngựa không ê. Móng chén (móng tròn) chạy nhanh hơn. Móng dép (móng rộng) chạy không nhanh, thông thường xoáy ngựa ở phía trước là tốt, phía sau không được tốt. Ba xoáy trước mặt hình tam giác ít khi kiếm có, là ngựa hiền và sang. Bốn xoáy nơi bốn cổ chày (tứ trụ) là ngựa hoang, nhưng gặp đúng chủ là ngựa quý. Xoáy kẹp cổ, hai bên nơi ức không tốt. Xoáy nơi gáy, xoáy hoét (quét), nhìn thấy xấu nhưng không sao. Ngựa có xoáy đùi hay đá vặt, đá bóng, tức là thấy bóng thì đá.

Dù ngựa sắc gì hễ nhỏ con đều gọi là ngựa cu. Ngựa mập quá đâm ra chậm chạp gọi là ngựa nục. Ngựa có một số tật. Như Ngựa sa tiền là lúc đi thỉnh thoảng bị chúi tới trước. Ngựa đâm thường hay đâm vô lề đường. Ngựa trớ là ngựa nhát, hay tràng tránh. Ngựa chứng là ngựa ít muốn tuân phục người cỡi, không chịu cương, chồm lên cao, nhảy dựng hoặc chưa chi đã cất chạy. Người mới tập hoặc cỡi yếu không dám cỡi ngựa chứng. Những con ngựa chạy nhanh chân dài hơi mới là ngựa bền. Khi ngựa chạy đã oải, chạy hết nổi ấy là ngựa bết. Ngựa bở là ngựa dở, chỉ chạy được một đoạn ngắn rồi bết.

Tốc độ nhanh chậm của ngựa gọi là nước. Cho ngựa chạy lúp xúp là nước kiệu nhỏ, nhanh một chút là kiệu lớn. Chạy nhanh là phi (như bài hát "Ngựa phi đường xa"), ở nông thôn cũng gọi là tế. Phi, tế thật nhanh, phóng từng cặp chân bước thật dài gọi là sải. Nhảy chồm hai chân trước lên là cất (cất vó, tung vó). Nước hay là những con ngựa chạy chân reo, hai chân xuống, hai chân lên, nghe như nhịp gõ cây, như điệu nhạc. Ngựa chạy chân ba, ba chân xuống một chân lên không hay bằng vì hơi bị tức. Ngựa cưỡi thường được chăm sóc bề ngoài nhiều hơn, hớt bờm hớt gáy cho đẹp. Có con ngựa nhẹ cương, giật sơ đã chạy, có con ngựa nặng cương phải giật mạnh và giục liên hồi.

Sắc lông

Bài chi tiết: Màu lông ngựa

Ngựa Phú Yên có sắc lông tính từ nhạt lên đậm có:

  • Ngựa bạch sắc trắng, còn gọi là ngựa hạc, ngựa hạc thì dân quê không chuộng, có lẽ vì quan niệm đó là sắc ngựa chỉ thích hợp với vua chúa.
  • Ngựa kim là trắng có pha một ít màu xám thành trắng mốc.
    • Kim lem là đen và trắng trộn thành hơi lem lem.
    • Kim lân là sắc kim có từng chùm lông đen xen lộn.
    • Kim than là ngựa có thêm sắc đen nhiều hơn. Ngựa kim than màu pha tạp cũng không bền.
  • Ngựa bích lông màu trắng có hơi pha xanh.
  • Ngựa đạm thì có màu vàng và màu trắng lẫn lộn.
    • Đạm chỉ là ngựa đạm trên lưng có đường chỉ.
  • Ngựa hởi là đã có pha một chút hồng, chót chân đen. Dân quê ưa ngựa hởi.
    • Hởi đồng giống như màu đồng nhạt. Hởi đồng thêm xoáy tứ trụ thì quý vô cùng.
  • Ngựa hồng màu hồng tươi. Ngựa hồng cũng được ưa chuộng
  • Ngựa séo là ngựa không hẳn là hồng, không hẳn hởi, không hẳn đạm, khô khô bạc bạ.
  • Ngựa tía là ngựa có màu đậm hơn màu hồng, có pha nâu thành đỏ hườm. Ngựa tía cũng được ưa, có lẽ đây là sắc lông phổ thông hơn hết. Với giống ngựa tía thì đực hay nái thì dáng vóc cũng gần như nhau[8]
    • Tía cháy thì có màu sậm hơn ngựa tía
    • Tía vang lợt hơn, hơi vàng như màu gỗ cây vang.
  • Ngựa ô là giống ngựa có màu sắc đậm hơn hết, sắc đen. Ngựa ô đẹp nhưng sắc lông đen nên hấp thụ nắng nhiều, dễ mệt.

Có ba loại khác biệt là ngựa bạch, ngựa màu, ngựa hồng bạch, trong đó, ngựa hồng bạch có nước da hồng, lông màu trắng có giá trị nhất, cả trong công việc lẫn trong mua bán. Ngựa bạch hồng phải mua từ nước ngoài, cứ 3 tuổi được gọi là trưởng thành. Người ta mua ngựa về xẻ thịt ăn rồi lấy xương để nấu cao. Cao ngựa bạch hồng có giá trị trong việc chữa nhiều căn bệnh về phong khớp nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng. Vì thế giá cả cũng rất cao, khoảng 70 triệu đồng/con. Còn ngựa trắng thì thấp hơn, dao động trong khoảng 25–30 triệu đồng, ngựa màu (lông đen, đỏ) thì chỉ 15 triệu đồng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa Phú Yên http://tapchisongba.com/tin-kinh-te-xa-hoi-thuong-... http://video.vnexpress.net/the-thao/hoi-dua-ngua-t... http://baoquangngai.vn/channel/6108/201402/duong-x... http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&... http://baophuyen.com.vn/89/40391/buon-vui-nuoi-ngu... http://dantri.com.vn/xa-hoi/len-go-thi-thung-xem-n... http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/loc-coc-vo-ngu... http://www.lienhiephoiphuyen.com.vn/index/?menu=co... http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/28... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cuoi-vo-bung-...